Thân chào cả nhà, Reading được xem là một kỹ năng khá dễ ăn điểm trong bốn kỹ năng của kỳ thi IELTS, chỉ cần bạn luyện tập đúng cách và chuyên cần. Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn về kỹ thuật Feynman để hiểu tốt bài đọc, cùng với đó mình sẽ nói về phương pháp Pomodoro giúp tăng sự tập trung và cân bằng năng lượng khi làm bài nhé.
Mình mới biết đến tên của kỹ thuật Feynman và phương pháp Pomodoro trong khoảng năm ngoái thôi, nhưng mà mình đã áp dụng nó chắc cũng gần được một thập kỷ rồi, chỉ là trước đó mình không biết là nó có tên như vậy, và mình tuyệt đối tin tưởng về hiệu quả của nó.
Kỹ thuật Feynman
Kỹ thuật Feynman được phát triển bởi nhà vật lý nổi tiếng Richard Feynman (1918-1988) – người được nhận giải Nobel vào năm 1965. Kỹ thuật này tập trung vào việc hiểu sâu kiến thức thông qua quá trình giải thích đơn giản (Wea et al., 2023). Các bước thực hiện kỹ thuật Feynman bao gồm:
- Bắt đầu đọc một chủ đề mà bạn muốn hiểu rõ hơn.
- Giảng giải lại điều vừa đọc như là bạn đang giải thích cho một đứa bé bằng những từ ngữ đơn giản.
- Xác định lỗ hổng: Trong quá trình giải thích, bạn sẽ nhận thấy những phần mà sự hiểu biết của bạn còn yếu hoặc chưa đầy đủ. Từ đây bạn sẽ đọc và ôn lại những phần đó.
- Đơn giản hóa lại: Sau khi đã lấp đầy những lỗ hổng kiến thức, hãy tiếp tục đơn giản hóa cách giải thích hơn nữa và tạo ra các phép so sánh.
Vậy các bạn có thể áp dụng phương pháp này vào việc ôn tập IELTS Reading như thế nào.
- Đầu tiên bạn chọn một bài tập Reading để làm
- Sau khi làm xong, bạn hãy giải thích chủ đề vừa đọc bằng ngôn ngữ đơn giản: Mình hay nói với các bạn học viên là ‘Em hãy thử giải thích lại phần/đoạn/câu đó mà đảm bảo đứa bé lớp sáu có thể hiểu được’. Điều này giúp các bạn phải hiểu rõ cốt lõi vấn đề và tránh sử dụng từ ngữ phức tạp.
- Xác định những phần khó hiểu: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giải thích một phần nào đó, chứng tỏ là bạn đang gặp vấn đề về từ vựng hoặc ngữ pháp ở phần đó, bạn cần đọc kĩ hơn, tra từ vựng, sử dụng Internet, hoặc hỏi thầy cô.
- Đơn giản hóa và củng cố lại: Sau khi đã nắm rõ các phần khiến cho bạn đọc bài khó khăn, bạn hãy tiếp tục giải thích lại một cách dễ hiểu hơn cho đến khi bạn thực sự cảm thấy tự tin về kiến thức mà bạn vừa đọc.
Kỹ thuật Feynman rất hữu ích trong việc giúp mình nâng cao hiệu quả không chỉ trong quá trình mình ôn luyện IELTS Reading mà còn trong việc đọc nói chung của mình, cũng như giúp cho kỹ năng trình bày giải thích của mình được tốt hơn – một điều rất quan trọng với nghề dạy học. Hồi xưa đi học mình cũng rất thích những thầy cô giảng những kiến thức khó hiểu bằng cách dễ hiểu nhất để người học có thể tiếp thu một cách dễ dàng.
Phương pháp Pomodoro
Nếu kỹ thuật Feynman giúp bạn hiểu sâu vấn đề khi làm bài đọc, thì phương pháp Pomodoro tập trung vào việc quản lý thời gian và giữ cho sự tập trung của bạn luôn ở mức cao. Kỹ thuật “Pomodoro” là một kỹ thuật quản lý thời gian do Francesco Cirillo sáng tạo ra vào cuối những năm 1980. Kỹ thuật này chia nhỏ công việc hoặc nhiệm vụ hoặc dự án thành các khoảng thời gian tập trung, thường là 25 phút xen kẽ với các khoảng nghỉ 5 phút. Sau một chu kỳ gồm bốn vòng, bạn nên nghỉ dài hơn để lấy lại năng lượng. Các khoảng nghỉ này được gọi là “Pomodoro”, được đặt theo tên của đồng hồ hình quả cà chua mà Cirillo sử dụng trong những ngày học đại học của ông (Iyengar et al., 2023).
Pomodoro được mình sử dụng rất nhiều ở các công việc hoạt động hằng ngày. Bạn có thể áp dụng phương pháp này vào việc luyện đề Reading như sau:
- Chọn một bài đọc Reading (13-14 câu), chứ không phải là một bài Test Reading gồm trọn vẹn 40 câu.
- Đặt hẹn giờ: Nếu bạn mới bắt đầu luyện đề Reading, bạn có thể đặt hẹn giờ 25 phút (hoặc nhiều hơn chút xíu), còn nếu bạn đã ‘chắc tay’ hơn thì thay vì áp dụng 25 phút như kỹ thuật này, các bạn hãy đặt 15-20 phút nhé, đơn giản vì đây là thời gian lý tưởng khi luyện đề dành cho các sĩ tử sắp đi thi. Trong khoảng thời gian này, bạn tập trung hoàn toàn vào bài đọc mà không để bị xao nhãng.
- Nghỉ ngắn 5 phút: Sau 15-20 phút, bạn nghỉ ngơi, thả lỏng đầu óc, có thể đi lại hoặc uống nước, rồi vào học tiếp.
- Vào kiểm tra đáp án, xong rồi làm bài đọc tiếp theo, hoặc có thể chuyển qua hoạt động học tập/công việc khác.
Mình đã điều chỉnh phương pháp Pomodoro khá nhiều. Mấu chốt ở đây là thay vì làm trọn vẹn một đề trong một tiếng, vì nó dễ khiến mình mệt mỏi, thì mình chọn làm từng bài đọc nhỏ để duy trì sự tập trung cao độ trong khoảng thời gian ngắn mà không bị quá tải. Với mỗi bài như vậy, mình đặt đồng hồ 15 phút, ngay cả với bài thứ ba. Việc quen với áp lực chỉ có 15 phút giúp mình tự tin hơn khi vào phòng thi. Bên cạnh đó, mình cũng là người thích tận dụng thời gian rảnh, nghĩa là mình sẽ tranh thủ làm Reading bất cứ khi nào có thể, ví dụ khi chờ bạn đi cà phê, hoặc trước khi tập thể dục… Mình sẽ tận dụng 15 phút để làm thêm một bài đọc. Tâm lý khi làm bài của mình cũng rất thoải mái, vì đối với mình, việc làm bài đọc giống như chơi một trò chơi đố chữ vậy.
Tóm lại, sự kết hợp giữa kỹ thuật Feynman và Pomodoro có thể tạo nên hiệu quả mạnh mẽ trong quá trình ôn luyện IELTS Reading. Bạn có thể sử dụng Pomodoro để phân chia thời gian học thành các phần nhỏ và áp dụng kỹ thuật Feynman để kiểm tra mức độ hiểu của mình sau mỗi lượt giải đề. Điều này giúp cải thiện cả khả năng tư duy lẫn quản lý thời gian – hai yếu tố then chốt trong kỳ thi IELTS Reading.
Trên đây là những chia sẻ về hai bí quyết giúp mình đạt hiệu quả tốt cho kĩ năng Reading. Hi vọng bài viết đã có ích thật nhiều cho bạn.
References
Iyengar, K. P., Vaishya, R., & Botchu, R. (2023). Can We Apply Pomodoro Technique in Academic Publishing? Apollo Medicine, 21(2). https://doi.org/10.4103/am.am_193_23
Wea, K. N., Dua, Y. S., & Elizabeth, A. (2023). An Exploratory Study to Investigate the Implementation of Feynman Learning Method in a Physics Classroom Setting. Journal of Innovative Science Education, 12(3), 331–339. https://doi.org/10.15294/jise.v12i3.78672
Yến Phan