Du học

Du học ngành Dược tại Vương quốc Anh

Bài viết hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe chia sẻ từ cô giáo Hoàng Thảo Nghi – Giảng viên trường Đại Học Kỹ Thuật Y Dược Đà Nẵng đã xuất sắc nhận Học Bổng Thạc Sỹ từ nhiều trường tại Anh như Queen’s Belfast, Loughborough, Strathclyde, Huddersfield, và Nottingham Trent University. Chúng ta cùng đọc về những chia sẻ đầy ý nghĩa của Thảo Nghi nhé.

‘’One’s destination is never a place but a new way of seeing things!”

Trong cuộc đời mỗi người đều có những lựa chọn mang tính quyết định, và mình nghĩ du học cũng là một trong số đó.

Chào mọi người, mình là Nghi, giảng viên Khoa Dược trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, cựu sinh viên Khoa Dược trường Đại học Y Dược Huế và hiện tại mình đang theo học chương trình MSc Pharmaceutical Analysis tại University of Strathclyde, Vương quốc Anh. Sau năm năm đèn sách trên ghế Đại Học, mình lại tiếp tục con đường theo đuổi học vấn, nhưng ở một môi trường khác, mới lạ hơn và áp lực hơn. Hi vọng những chia sẻ của mình có thể giúp những bạn đang đam mê Pharmaceutical Science sẽ có những cái nhìn khác về du học ngành này.

Việc lựa chọn trường và chương trình học:

Ngành Dược ở UK có rất nhiều chuyên ngành liên quan, và tên chương trình học cũng khá khác biệt so với ở Việt Nam. Tuy nhiên tóm lại có hai mảng chính đó là Clinical Pharmacology (Dược lâm sàng) và Pharmaceutical Sciences (Khoa học dược phẩm, bao gồm những chương trình như Kiểm nghiệm hoặc Bào chế). Cùng là ngành Dược nhưng sẽ có trường mạnh về Clinic nhưng không mạnh về Pharmaceutics và ngược lại. Do đó, thứ hạng trường là một yếu tố quan trọng nhưng thứ hạng ngành mới là thứ tiên quyết khiến mình chọn Strathclyde. Các bạn có thể tham khảo xếp hạng trường và xếp hạng ngành trên Bảng xếp hạng The Complete University Guide, bảng xếp hạng này chỉ xếp hạng những trường đại học tại UK và mình thấy thật sự khách quan hơn so với The Guardian.

Vấn đề tiếp theo là lựa chọn khóa học. Mình chọn hướng đi Pharmaceutical Sciences nên mình sẽ nói về nó nhé. Ở UK, có rất ít trường thực sự nổi trội về hướng này, do đó số lượng khóa học liên quan cũng rất ít. Các bạn nên tham khảo thật kĩ những module của khóa học và kiến thức sẽ được tiếp nhận trên trang web trường để lựa chọn chương trình phù hợp với mục đích học tập của mình. Đa số các chương trình Pharmaceutics ở UK thường nặng về Hóa nên một số trường sẽ xếp vào khoa Hóa thay vì khoa Dược. Do đó các bạn cũng nên tham khảo thật kĩ vấn đề này.

Môi trường Dược học tại UK:

Lần đầu tiên đến lab, mình đã kiểu ú ớ vì nó quá lớn và quá hiện đại. Mỗi người sẽ có một Bench riêng, bộ dụng cụ riêng, thậm chí micro Pipette và UV-Vis Spec riêng. Các giảng viên sẽ luôn ở trong phòng lab để hỗ trợ, cứ cách một lúc là lại đến xem xem bạn đã làm đến bước nào rồi, có ổn không, đúng SOP không, v..v… Thậm chí quy trình vào phòng Lab đến lúc ra cũng phải tuân thủ. Vì hiện nay là mùa Covid, nên mọi người rất cẩn trọng trong quy trình vào lab. Mình học Kiểm nghiệm nên đây cũng là lần đầu tiên mình được thấy và sử dụng những loại máy trong “truyền thuyết” như NMR hoặc MS.

Về việc học thì mọi kiến thức đều vừa quen vừa lạ. Quen vì mình đã từng được giới thiệu khi học Đại học rồi, lạ vì nó quá chuyên sâu và học thuật. Do đó mình phải đọc tài liệu rất nhiều để có thể hiểu kĩ các bài giảng trên trường. Sau vài tháng học ở Glasgow thì mình đã rút ra được 2 điều có lẽ khiến cuộc sống du học của nhiều bạn khó khăn. Thứ nhất là rào cản ngôn ngữ, thứ hai là deadline. Thật ra thì mình không vì shock văn hóa hay ngôn ngữ vì đã chuẩn bị trước, nhưng những tiết học đầu tiên mình thật sự cảm thấy mình không thuộc ‘hành tinh’ này, khi mọi người đều giỏi, tiếng Anh chuyên ngành rất tốt và có thể giải được hầu như tất cả những bài tập giáo giao. Giáo của mình có nhiều người bản địa và nói rất nhanh, lại có accent địa phương nên nhiều khi mình nghĩ không biết có phải mình đang nghe tiếng Anh hay không   Thậm chí mình còn nghi ngờ khả năng tốt nghiệp của mình   Thể nên mình đã cố gắng nghe lại bài giảng nhiều lần, tìm hiểu các thuật ngữ liên quan và tìm ra các cách giải trước những ngày có workshop.

May mắn mình là một người không ngại nói sai, nên sau vài buổi workshop như vậy thì mình cũng cải thiện được khả năng nghe nói đáng kể. Về deadline, có những tuần mà mình có hẳn 2 deadline. Nhưng cũng nhờ vậy, khả năng viết của mình cũng được cải thiện. Cũng như ở Việt Nam, y dược không dành cho những người lười biếng, nên nếu bạn đang có mong muốn đi du học, bạn phải thật quyết tâm.

Chuyện cuộc sống ở UK:

Không biết nói ra có khiến bạn nào buồn không, nhưng ở UK cơ bản là buồn :)) mình ở thành phố lớn, địa điểm vui chơi mua sắm không thiếu, và Glasgow cũng được xem là một trong những thành phố đẹp nhất UK, các bạn mình đến Glasgow đều khen nức nở, nhưng về đêm vẫn rất buồn. Các bạn có thể đi pub hoặc coffee, nhưng hầu như chỉ có thế. Trời thì lúc nào cũng âm u, và vào mùa đông thì chẳng biết khi nào trời mới sáng trong khi 3h chiều đã tối rồi. Dịch bệnh hoành hành nên mọi người cũng ít ra đường. Mình đã chuẩn bị tâm lý nhưng khi sang đây vẫn cảm thấy rất buồn lúc chiều tối ^^.

Các bạn có rất nhiều sự lựa chọn khi sống ở UK. Mình thì thuê một studio và sống cùng các bạn người Việt để có thể giúp đỡ nhau. Một số bạn của mình thì ở Kí túc xá trường để trải nghiệm nghiều hơn, một số thì thuê private flat để tiết kiệm. Nói chung tùy vào tài chính của mỗi người mà có những lựa chọn tốt nhất. Nhưng mình nghĩ chuyện nhà cửa nên chuẩn bị sẵn sàng ở Việt Nam để không mất nhiều thời gian ổn định cuộc sống lúc mới sang. Mình may mắn nên toàn gặp những người dễ thương và thậm chí những người bạn bản địa cũng rất nhiệt tình.

Giờ mình vẫn đang tiếp tục trải nghiệm những tháng ngày tại UK, vẫn tiếp tục con đường dài nhưng chắc chắn không hối hận. Hi vọng bài chia sẻ này sẽ phần nào tạo động lực cho các bạn, nhất là những bạn đang theo ngành Dược hoặc muốn đi học tại Vương Quốc Anh nhé.

Hoàng Thảo Nghi. 18.02.2021

You may also like

error: Content is protected !!