Nhớ lại thời điểm năm 2023, sau khi trở về Việt Nam từ Anh, mình đã gặp phải một loạt cú sốc mà mình đã không nghĩ đến việc chuẩn bị kĩ để đối mặt, chủ yếu liên quan đến ‘sốc văn hóa ngược’ (reverse culture shock), nên dù là một người khá lạc quan và thích nghi nhanh, những cú sốc đó khiến cuộc sống của mình trong năm 2023 khá khổ sở. Bây giờ thì mình đã phần nào vượt qua giai đoạn đó rồi.
Những điều mình trải qua dù là những câu chuyện mang tính cá nhân, nhưng mình biết có nhiều bạn cũng đã/sẽ trải qua những cảm giác tương tự khi trở về nước, nên bài viết này như đôi lời đồng cảm đến bạn và cũng như là để chia sẻ cách mình vượt qua những cảm giác ấy. Khó khăn thì nhiều lắm nhưng mình sẽ tập trung vào ba cú sốc chính.
Cú sốc đầu tiên mà mình phải đối mặt chính là sự cô đơn
Một câu chuyện rất chung của nhiều du học sinh sau khi trở về quê hương chính là bị mất cảm giác kết nối, cảm thấy lạc lõng vì những điều mà các bạn đã bỏ lỡ tại quê nhà trong suốt quãng thời gian đi học. Bên cạnh đó, mình cũng cảm thấy nhiều người xung quanh có sự kì vọng lớn với du học sinh nhưng lại thiếu sự đồng cảm với những thách thức và cảm xúc mà họ đã trải qua, khiến mình cảm thấy rất thiếu sự chia sẻ.
Một điều nữa là, mình cũng cảm thấy cô đơn vì mất đi môi trường quốc tế. Trong thời gian du học, mình đã quen với một môi trường đa văn hóa, nơi mình có thể gặp gỡ bạn bè từ nhiều nơi trên thế giới. Khi trở về, mình cảm thấy vô cùng trống vắng khi thiếu đi sự đa dạng và cởi mở đó.
Về Việt Nam thì mình tiếp tục công việc ở Đà Nẵng, bởi vì đây là thành phố mình đã gắn bó lâu. Trước khi đi du học thì mình có nhiều bạn bè ở Đà Nẵng. Mình thích không khí tươi vui của các hàng quán sáng trưng đèn, của các vỉa hè có những người bạn chuyện trò rôm rả. Trở lại nơi đây, những hàng quán vẫn sáng đèn, vẫn mang không khí tươi vui, nhưng mình không cảm thấy bản thân mình ở trong đó nữa. Người bạn thân nhất của mình ở Đà Nẵng thì đã đi nước ngoài làm việc, đa số những người bạn ‘tâm giao’ trong ngành thì lại sinh sống ở Hà Nội, Sài Gòn, phần ít ỏi còn lại thì bận rộn với gia đình riêng, không còn nhiều thời gian để gặp gỡ như trước. Những thói quen giúp mình hạnh phúc trong quá khứ cứ vậy mất dần. Mình chợt nhớ đến một câu nói mà mình nghe được từ một chiếc podcast rất buồn “Losing friends is something I was never prepared for in adulthood.”
Về cảm xúc công việc, tính mình hay đặt quá nhiều tình cảm vào những điều mình làm, nghề mình chọn cũng được xem là một trong những nghề cô đơn nhất, vì cứ qua mỗi chuyến đò là chỉ còn người ở đò ở lại. Tâm trạng cứ nhìn dòng người dần rời xa cũng buồn lắm.
Vậy mình làm thế nào để vượt qua những sự cô đơn trên?
Mình mất hơn gần chín tháng để thích nghi, và mình nhận ra là mình luôn đi tìm kiếm cảm giác thuộc về nơi thế giới bên ngoài, qua những ‘người bạn’ ngoài kia, nhưng chưa bao giờ học cách tự làm bạn với chính bản thân mình. Mình học được cách trân trọng hơn thời gian riêng tư của bản thân, tham gia nhiều hơn vào cách sở thích tích cực trước đây như đọc sách, thiền, viết lách, thể thao, các hoạt động chuyên môn về giảng dạy, nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn vào các cộng đồng mình quan tâm.
Mình vẫn dành thời gian để hướng về những người bạn cũ, những người hiểu và lắng nghe mình. Dẫu xa cách về địa lý, nhưng mình vẫn có những cuộc trò chuyện thân mật qua các phương tiện truyền thông. Về giao tiếp với học trò, mình tập trung thật nhiều hơn nữa để trở thành người giáo viên chuyên nghiệp, khiến bài giảng truyền tải được nhiều kiến thức bổ ích, cố gắng thành người dẫn đường nhiều cảm hứng và động viên các em qua nhiều hình thức khác nhau, hạn chế tán gẫu ngoài lề như xưa. Mình không còn nghĩ bản thân là ‘người lái đò cô đơn’ nữa, mà thấy vui khi mình là một người đi cùng trên một chặng đường trong hành trình trưởng thành của các em.
Cú sốc thứ hai liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường
Có một điều mình rất ít khi nói ra, đó là mình rất quan tâm đến bảo vệ môi trường và luôn ý thức về những hành động của bản thân đến môi trường. Khi sống tại Anh, mình nhận thấy ý thức bảo vệ môi trường được giáo dục từ nhỏ và ăn sâu vào hành vi của người dân, việc hạn chế sử dụng giấy và túi nhựa rất được chú trọng, ít sinh viên nào dùng sách, tài liệu giấy, bao nilon thì rất hiếm được sử dụng, khi đi chợ thì mọi người sẽ có túi/giỏ hàng riêng. Vì thế mình cảm thấy bản thân rất có ích, hòa hợp với môi trường khi học tập tại Anh.
Nhưng khi trở lại Việt Nam, mình cảm thấy thất vọng vì túi nilon vẫn được sử dụng quá phổ biến. Mỗi lần đi chợ mình lại nhận được hàng tá túi nilon với các màu sắc, kích thước khác nhau khiến mình khá hoảng. Nhìn các văn phòng đầy các chồng giấy làm mình bị ngợp, việc này khiến mình có chút căng thẳng, như khi đi xe mà đường ngập bụi vậy.
Nhưng mình nhận ra và tin rằng, sự thay đổi bắt đầu từ chính mình chứ không phải là từ nơi mình ở. Nếu mình sống trong một quốc gia có nhiều giải pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường, mình sẽ đóng góp bằng cách tuân thủ các giải pháp đó, còn nếu mình sống ở quê nhà nơi mà dù môi trường xung quanh chưa có sự cải thiện lớn, mình vẫn có thể đóng góp bằng những thay đổi nhỏ nhưng ý nghĩa từ bản thân, như là hết sức hạn chế bao nilon và giấy in.
Cuối cùng là cú sốc về nhịp độ làm việc
Năm 2023 được xem là năm mà thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nền kinh tế vô cùng ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Có một điều rất đáng buồn là, với những người vẫn có việc làm ở Việt Nam, dù là làm việc cho các cơ quan tư nhân hay nhà nước, các bạn trẻ dường như làm việc liên tục, bạn bè của mình thường làm không ngừng nghỉ, trong khi ở UK và các quốc gia phương Tây, mình đã quen với cách người làm việc ở những quốc gia này cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nhiều người sẽ lấy lý do là quốc gia của mình vẫn đang còn khó khăn, nên mọi người cần phải chăm chỉ làm việc, rồi bây giờ có việc làm là may mắn lắm rồi, phải biết trân trọng. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp mình quan sát, làm việc nhiều giờ không có nghĩa là chất lượng công việc được tăng lên, trong khi đó đời sống tinh thần, đặc biệt là của các bạn trẻ, liên tục bị xuống dốc.
Riêng với ngành nghề của mình (giảng dạy Tiếng Anh), các thầy cô cũng thường xuyên đối mặt với khối lượng công việc lớn với nhiều tình trạng kiệt sức kéo dài. Mình rất hay nhớ đến hai câu thơ về nghề giáo mà mình đã vô cùng xúc động khi đọc được của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, được một người anh trong nghề chia sẻ lại:
“Cái bục giảng không cao nhưng đã có bao người vấp té
Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay.”
Vấn đề về nhịp độ làm việc này kể ra thì sẽ là nhiều câu chuyện rất dài, mình chỉ muốn giãi bày là khi về lại làm việc, mình cảm thấy áp lực với nhịp sống hối hả này. Dù mình may mắn là nghề dạy là cái nghề mà mình yêu, và môi trường mình đang làm việc rất ‘lành’, thầy cô rất thấu hiểu nhau, nhưng cú sốc về nhịp độ làm việc vẫn tác động lên mình rất nhiều trong khoảng thời gian đầu.
Hi vọng trong tương lai, mọi người sẽ có những phương pháp làm việc hiệu quả hơn, cũng như Việt Nam sẽ sớm thực hiện các chính sách để nâng cao quyền lợi và chất lượng cuộc sống của người lao động.
Trên đây là những cú sốc mà mình trải qua sau khi về lại Việt Nam. Mình biết rất nhiều bạn học trò của mình đi du học thì chuẩn bị rất tốt cho các cú sốc ở nước ngoài nhưng ít người chuẩn bị cho những cú sốc khi về nước. Mong là bài viết đã có ích phần nào cho bạn.
Còn những bạn đã/đang chịu những cú sốc khác nhau, mình xin gửi bạn một cái ôm thật lâu.
Yến Phan