Chào các bạn, hôm nay chúng mình cùng đến với chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Quỳnh, người chị học viên cũ và cũng là người chị thân thiết của Yến đã có khoảng thời gian học tập và làm việc tại Anh. Nay chị Quỳnh sẽ chia sẻ cho chúng ta về trải nghiệm đi làm của chị nhé.
“Mình là Quỳnh, mình kết thúc khóa MBA tại Đại Học Lincoln. Khác với kế hoạch ban đầu là học xong rồi về nước, mình đã chọn ở lại thêm vài năm để trải nghiệm môi trường làm việc bên này, chủ yếu để học hỏi cách các doanh nghiệp và xã hội vận hành. Sau một vài tháng gia nhập thị trường lao động tại xứ tư bản, mình đã đúc kết được một số kinh nghiệm cá nhân như sau.
1. Tìm việc
Tỷ lệ cạnh tranh khi tìm việc lúc mới ra trường rất cao. Nếu ở Việt Nam, tỷ lệ nộp 10 hồ sơ và được gọi phỏng vấn 3 công ty là phổ biến, thì bên này con số có thể là (>100:3). Thậm chí, trung bình phải tham gia hơn 5 buổi phỏng vấn mới có được một lời mời làm việc! Lý do là số lượng người nộp đơn rất lớn, bao gồm cả người bản địa lẫn ứng viên quốc tế từ khắp nơi như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Romania, Canada, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước châu Phi… Trước lượng hồ sơ khổng lồ, các công ty phải sàng lọc rất khắt khe, thông qua nhiều bài kiểm tra để chọn ra người phù hợp. Vì vậy, cách duy nhất là kiên trì, bền bỉ, học hỏi từ những lần thất bại và “chai mặt”!
2. Môi trường làm việc
Môi trường làm việc sẽ khác nhau tùy vào công ty và ngành nghề, điều này cũng giống như ở Việt Nam. Nếu làm trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bán lẻ, marketing hay thương mại điện tử, môi trường thường rất năng động và “fast-paced”. Ngược lại, các ngành giáo dục hay tổ chức công thường nhẹ nhàng hơn. Bản thân mình làm trong ngành giáo dục đại học nên lượng công việc, mức độ cạnh tranh và “drama” công sở ít hơn nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân.
- Thử việc: Ban đầu mình khá sốc khi thời gian thử việc ở đây kéo dài đến 6 tháng. Sau khi tìm hiểu, mình biết rằng ở Anh không có quy định cụ thể về thời gian thử việc, tùy công ty mà thời gian có thể dao động từ 3 đến 6 tháng. Trong khi đó, ở Việt Nam, thử việc chỉ 2 tháng với nhân viên thường và 6 tháng cho quản lý cấp cao.
- Nghỉ phép: Ở đây quy định là 28 ngày phép mỗi năm, trong khi ở Việt Nam tối thiểu là 12 ngày. Do đó, mỗi kỳ nghỉ, người dân thường tranh thủ bay sang các nước châu Á hoặc Nam Âu nghỉ 1-2 tuần liền.
- Nghỉ thai sản: Tại Anh, phụ nữ được nghỉ thai sản 12 tháng, gồm 6 tháng nghỉ cơ bản và 6 tháng nghỉ bổ sung. Bạn có thể chọn nghỉ hết hoặc đi làm lại sau 6 tháng, với chế độ hỗ trợ tài chính kéo dài 9 tháng rưỡi, chia thành hai mức khác nhau. Ở Việt Nam, thời gian nghỉ là 6 tháng, chế độ tài chính chỉ có một mức, nên có phần đơn giản hơn.
- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Thuế ở Anh cao hơn rất nhiều dù có ít bậc hơn. Khi thu nhập chịu thuế vượt 1.000 bảng/tháng, phần vượt bị đánh thuế 20%, các mức tiếp theo là 40% và 45%. Trong khi đó, ở Việt Nam, các mức thuế dao động từ 5% đến 35%, tùy theo mức thu nhập.
- Giờ làm việc: Cả hai nước đều có quy định giờ làm từ 35-40 giờ/tuần. Tuy nhiên, tại Anh, hầu hết các công ty làm việc 35-36 giờ/tuần, trong khi ở Việt Nam thường là 40 giờ. Ngoài ra, ở Anh, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống được chú trọng hơn. Sau giờ làm, hầu như không có tin nhắn hay cuộc gọi công việc nào. Tuy nhiên, điều này cũng khiến đồng nghiệp không gắn kết như ở Việt Nam. Đặc biệt, sau 6h tối, hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa, chỉ còn quán ăn, pub và cửa hàng tiện lợi mở cửa, trừ các thành phố lớn như London.
- Chế độ làm việc: Các công ty ở Anh chủ yếu áp dụng chế độ làm việc hybrid (2-3 ngày làm ở văn phòng, còn lại làm tại nhà), trong khi ở Việt Nam, mô hình này chưa phổ biến.
- Văn hóa công sở: Ở Anh, với lực lượng lao động đa dạng, các doanh nghiệp rất đề cao sự “đa dạng, hòa nhập và công bằng”. Vì vậy, giao tiếp nơi công sở luôn tế nhị và lịch sự, để tránh bị phàn nàn hay tố cáo. Chỉ việc hỏi một người đến từ đâu, bạn cũng phải thêm câu: “Do you mind if I ask…” hoặc “If you don’t mind sharing…”.
Có thể thấy, môi trường làm việc ở hai nước có một số điểm tương đồng, nhưng phần lớn rất nhiều khác biệt. Mình nhận thấy luật lao động tại Việt Nam cũng đã bảo vệ người lao động rất tốt. Nếu có thu nhập cao, thì ở Việt Nam còn có lợi thế về mức thuế thấp và chi phí sinh hoạt rẻ hơn.”
Kim Quỳnh