Thân chào cả nhà,
Hầu hết các học bổng đều yêu cầu ứng viên viết bài luận cá nhân (Personal Statement) khi nộp hồ sơ. Tùy thuộc vào từng loại học bổng, cách viết bài luận sẽ có sự khác biệt dựa vào yêu cầu của loại học bổng đó. Sẽ có học bổng có sẵn câu hỏi và yêu cầu ứng viên trả lời bám sát các câu hỏi đó, sẽ có học bổng không có yêu cầu cụ thể về nội dung và số chữ mà cho phép ứng viên được tự do trình bày. Có nhiều trường thì sẽ xét học bổng dựa trên thư xin nhập học, có những trường thì phải viết một thư riêng. Nhiều bạn sẽ cảm thấy…ôi mệt quá. Sao lại phải viết luận cơ chứ? Nhưng nếu như bạn biết cách viết một bài luận tốt, thì bạn sẽ thấy đây là một cơ hội tuyệt vời thuyết phục Hội đồng xét tuyển cấp học bổng. Và mình nhận ra rằng, quá trình mình viết bài luận như là quá trình mình được ‘nói chuyện’ lại với chính bản thân mình và hiểu thêm về những hành trình mình đi qua.
Trong bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm viết luận của mình khi xin học bổng bậc Thạc sĩ tại Anh, tập trung vào những lỗi phổ biến và cách khắc phục. Những nội dung mà mình chia sẻ cũng sẽ hữu ích với các bạn xin nhập học ở nhiều bậc học và chương trình khác nhau.
Mình đã từng rớt nhiều học bổng, đơn giản là vì mình nhìn đời khá ngây ngô, sau này mình mới nhận thấy các điểm yếu trong hồ sơ của mình. Đến năm 2021, sau khi trải qua phỏng vấn với đại diện trường Huddersfield, mình nhận được học bổng Southeast Asia trị giá 7000 bảng (tương đương 220 triệu tiền Việt vào năm mình theo học). Bên cạnh đó, mình cũng nhận được học bổng từ trường Nottingham Trent, nhưng mà thấp hơn giá trị mình nhận được từ trường Huuddersfield một chút. Tuy đây không phải là những học bổng quá ‘khủng’, nhưng mà cũng không phải là học bổng ‘tự động’ (ví dụ: chỉ cần đạt GPA ở mức nào đó là bạn sẽ được nhận) hay học bổng ‘khuyến mãi’ (ví dụ: học bổng khi bạn nộp học phí trước một deadline của trường), và để nhận được mình đã phải cải thiện hồ sơ khá nhiều.
Trong quá trình nộp hồ sơ, mình được anh Hưng Ngô, tư vấn viên cho hồ sơ của mình nhận xét chi tiết về bài luận. Mình cũng được sếp Tuấn của mình thời mình còn làm cho TIW nhận xét bài. Mình có được những lời khuyên quý giá từ người anh quá cố, Fulbrighter Trần Ngọc Thịnh. Anh Thịnh sau này được nhận học bổng chính phủ toàn phần bậc tiến sĩ từ New Zealand nhưng rất buồn là anh đã qua đời vì bạo bệnh. Mình có đi học Viết ở Thầy Hồ Lê Vũ. Mình có tham gia Khóa săn học bổng của chị Hoa Đinh bên trang Scholarship for Vietnamese Students. Sau này học xong rồi và về nước, mình cũng có tham gia các workshops, các buổi trò chuyện với các anh chị trong nghề chia sẻ lại kinh nghiệm xin học bổng (gần đây nhất là anh Khoa Đỗ), nên thành ra kinh nghiệm về viết bài luận của mình cũng được chắt chiu nhiều qua năm tháng, hi vọng bài viết sẽ có ích cho bạn.
Lỗi số một: Lỗi “than nghèo kể khổ”
Khi viết luận học bổng, ứng viên cần thuyết phục Hội đồng trao học bổng cho mình, và để người ta cảm thấy bạn cần có học bổng. Điều này đã khiến nhiều bạn tập trung quá nhiều vào việc mô tả hoàn cảnh khó khăn hoặc những thách thức cá nhân mà bạn phải đối mặt, với mục đích gây thương cảm từ phía hội đồng xét duyệt. Mặc dù việc chia sẻ những khó khăn có thể giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của ứng viên, nhưng nếu không khéo léo, việc này có thể dẫn đến cảm giác rằng người viết chỉ cố gắng “than vãn” hoặc tìm kiếm lòng thương hại thay vì thể hiện bản thân qua những thành tích và tiềm năng.
Cách tránh lỗi này:
+ Chia sẻ có chọn lọc: Thay vì liệt kê mọi khó khăn, hãy chọn những khó khăn thực sự liên quan và có thể cho thấy bạn đã vượt qua chúng như thế nào.
+ Tập trung vào sự phát triển cá nhân và giữ giọng văn tích cực: Thay vì chỉ mô tả hoàn cảnh khó khăn, hãy nhấn mạnh cách bạn đã vượt qua chúng, những bài học đã học được, và sự trưởng thành cá nhân.
Lỗi số hai: Thiếu tính cá nhân
Rất nhiều bài luận viết quá chung chung, không thể hiện rõ cá tính hay câu chuyện riêng biệt của người viết. Thế rồi hội đồng xét duyệt đọc những bài đó xong lại trôi tuồn tuột, chẳng nhớ đến người viết là ai. Vậy nên, để nổi bật, bạn nên kể câu chuyện cá nhân độc đáo, cho thấy sự trưởng thành và mục tiêu tương lai của mình.
Để khắc phục lỗi thiếu tính cá nhân trong bài luận săn học bổng du học, bạn có thể thực hiện các bước sau:
+ Chọn một câu chuyện cá nhân đặc biệt và liên kết câu chuyện với mục tiêu học tập và sự nghiệp: Hãy suy nghĩ về những trải nghiệm, sự kiện hoặc thử thách đã định hình bạn là ai ngày hôm nay. Điều này có thể liên quan đến học tập, cuộc sống gia đình, hoặc những hoạt động ngoại khóa. Điều quan trọng là câu chuyện này cần phản ánh những giá trị cốt lõi và mục tiêu của bạn. Sau khi kể câu chuyện cá nhân, bạn cần giải thích rõ ràng mối liên hệ giữa câu chuyện đó với mục tiêu học tập hoặc sự nghiệp của mình. Điều này giúp người đọc hiểu được bạn sẽ áp dụng những bài học từ trải nghiệm cá nhân vào con đường học vấn và nghề nghiệp ra sao.
Ví dụ: nếu bạn là giáo viên tiếng Anh, bạn có thể kể là bạn đã từng trải qua một thất bại (bị học sinh/quản lý phản hồi không tốt vì không tạo ra sự kết nối, hứng thú trong lớp học) nhưng từ đó học được bài học quý giá (về cải thiện bài giảng, học cách lắng nghe), và bạn đặt ra mục tiêu là phải tìm hiểu thêm nhiều phương pháp mới, học thêm về tâm lý học giáo dục để trở thành một nhà giáo tốt hơn. Hoặc là bạn có thể kể về một lần bạn giúp một bạn học sinh nào đó gặp khó khăn, bạn cũng được truyền cảm hứng như thế nào từ học sinh đó. Dù là câu chuyện nào thì bạn cũng cần mang tính cá nhân và đừng để câu chuyện của bạn là một câu chuyện…như đã nghe ở đâu đó.
+ Tránh lối kể chuyện sáo rỗng, trích dẫn danh ngôn người nổi tiếng. Thay vì sử dụng những mô típ hay lời văn chung chung mà nhiều người khác cũng có thể viết, hãy tìm cách miêu tả trải nghiệm của bạn theo cách riêng biệt, chi tiết và chân thực nhất có thể. Những cảm xúc, suy nghĩ của bạn trong quá trình trải nghiệm rất quan trọng để làm bài viết sống động và cá nhân hơn.
Lỗi thứ ba: Chưa thể hiện được sự quyết tâm, định hướng cho tương lai: Một bài luận cá nhân không chỉ kể về quá khứ mà còn phải cho thấy sự phát triển cá nhân và quyết tâm hướng tới tương lai, vì vậy, bạn cần nêu rõ kế hoạch sau khi học xong/về nước. Bạn đừng nói chung chung là ‘tôi sẽ đóng góp tới cộng đồng’ mà hãy nói cụ thể là bạn sẽ làm ở đâu, đóng góp như thế nào. Ví dụ: tôi sẽ về nước dạy cho học sinh miền núi (vậy bạn dạy bao nhiêu em? ở tỉnh nào? bạn sẽ liên hệ tổ chức nào…). Và đừng quên thể hiện cho Hội đồng thấy được việc được cấp học bổng sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu này như thế nào.
Lỗi thứ tư: Dùng ngôn ngữ quá phức tạp:
Người đánh giá học bổng quan tâm đến câu chuyện và ý tưởng của bạn hơn là cách bạn phô diễn từ ngữ. Nhiều người cố gắng sử dụng từ vựng phức tạp hoặc câu văn dài dòng chỉ để gây ấn tượng, nhưng lại làm cho bài viết trở nên khó hiểu rườm rà. Một điều bạn nên biết là trong Hội đồng xét học bổng sẽ có nhiều thành viên, không phải ai cũng làm việc cùng chuyên ngành với bạn, nên nhiều câu chuyện liên quan đến chuyên ngành của bạn cần được kể một cách dễ hiểu nhưng không kém phần hấp dẫn.
Bạn nên ưu tiên sự rõ ràng và súc tích, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên chính xác. Sự chân thành và tự nhiên trong cách viết sẽ giúp bạn nổi bật. À mà điều này không có nghĩa là bạn chỉ dùng những từ vựng quá căn bản mà không chịu khó tìm hiểu những từ vựng giúp biểu đạt mượt mà hơn đâu nhé.
Để khắc phục lỗi dùng ngôn ngữ quá phức tạp trong bài luận săn học bổng, bạn có thể áp dụng những cách sau:
+ Sử dụng từ ngữ dễ hiểu và phù hợp với ngữ cảnh: Mục tiêu chính của bài viết là truyền tải ý tưởng rõ ràng, không phải thể hiện vốn từ phong phú một cách không cần thiết.
+ Tránh câu văn dài dòng, rườm rà: Những câu văn dài thường dễ gây mất tập trung và khó hiểu. Hãy chia nhỏ câu thành các phần mạch lạc, dễ theo dõi. Mỗi câu nên có một ý chính, không nên chứa quá nhiều thông tin. Hãy ưu tiên những câu văn có cấu trúc đơn giản nhưng vẫn đủ sức mạnh truyền tải ý nghĩa. Điều này giúp bài viết của bạn dễ tiếp cận và không gây khó hiểu cho người đọc.
+ Nhờ người khác đọc lại: Đôi khi bạn sẽ không nhận ra mình đang dùng ngôn ngữ phức tạp. Hãy nhờ người khác, đặc biệt là những người không chuyên về ngôn ngữ học thuật, đọc qua và đưa ra phản hồi xem họ có hiểu rõ nội dung không. Nếu họ gặp khó khăn, đó là dấu hiệu bạn cần đơn giản hóa nội dung.
+ Nhờ AI chỉnh lỗi diễn đạt: Bạn có thể sử dụng Grammarly/ChatGPT phiên bản hoàn toàn miễn phí để chỉnh sửa lại một số lỗi diễn đạt quá dong dài phức tạp nhé.
Lời khuyên bé xíu cuối cùng: Hồi xưa khi mình viết bài luận gửi cho anh Hưng, anh đã bảo mình là “Bài của em hợp với kiểu Mỹ hơn là kiểu Anh, nên nếu em nộp cho Anh thì em cần sửa lại nhiều.’’ Lúc đó mình đã nghĩ rằng anh đang ‘an ủi’ mình (giờ mình vẫn nghĩ là vậy hehe), rồi dần dần sau này mình mới biết là cần để ý đến ‘văn hóa’ của quốc gia nộp học bổng. Ví dụ luận học bổng ở Mỹ thường khuyến khích ứng viên thể hiện cá tính, mục tiêu cá nhân, sự sáng tạo và những trải nghiệm độc đáo. Ứng viên cần chứng tỏ không chỉ về thành tích học tập mà còn cả những giá trị, đam mê, và định hướng tương lai của mình. Còn ở Anh, phong cách viết luận thường có xu hướng trang trọng hơn và tập trung vào thành tích học thuật. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc ứng viên có phù hợp với chương trình học và có kế hoạch rõ ràng cho tương lai học tập và sự nghiệp.
Để viết một bài luận tốt thì bạn rất cần thời gian, sự kiên nhẫn, và phải qua nhiều bản nháp, nên bạn đừng nản lòng nhé. Chúc bạn sẽ có một bài luận tốt và chinh phục được học bổng bạn mong muốn.
11.09.24
Yến Phan